Di chuyển sang Android Studio

Để di chuyển các dự án sang Android Studio, bạn phải thích ứng với một cấu trúc dự án mới, hệ thống xây dựng mới và chức năng IDE mới.

Nếu di chuyển từ IntelliJ và dự án của bạn đã sử dụng Gradle, bạn có thể mở dự án hiện có trong Android Studio. Nếu sử dụng IntelliJ nhưng dự án của bạn không sử dụng Gradle, bạn cần tự chuẩn bị dự án trước khi có thể nhập dự án vào Android Studio. Để biết thêm thông tin, hãy xem phần Di chuyển từ IntelliJ.

Kiến thức cơ bản về Android Studio

Dưới đây là một số điểm khác biệt chính mà bạn cần lưu ý khi chuẩn bị di chuyển sang Android Studio.

Sắp xếp dự án và mô-đun

Android Studio dựa trên IDE IntelliJ IDEA. Để làm quen với các khái niệm cơ bản về IDE, chẳng hạn như thao tác di chuyển, việc hoàn thành mã và phím tắt, hãy xem bài viết Làm quen với Android Studio.

Android Studio sắp xếp các đoạn mã vào các dự án, trong đó chứa mọi thành phần cấu thành nên ứng dụng Android của bạn, từ mã nguồn ứng dụng cho đến cấu hình bản dựng và mã kiểm thử. Các dự án sẽ mở trong các cửa sổ riêng biệt trong Android Studio. Mỗi dự án chứa một hoặc nhiều mô-đun, cho phép bạn phân chia dự án của mình thành các đơn vị chức năng riêng biệt. Các mô-đun có thể được tạo, kiểm thử và gỡ lỗi một cách độc lập.

Để biết thêm thông tin về các dự án và mô-đun của Android Studio, hãy xem bài viết Tổng quan về các dự án.

Hệ thống xây dựng dựa trên Gradle

Hệ thống xây dựng của Android Studio dựa trên Gradle và sử dụng các tệp cấu hình bản dựng được viết trong tập lệnh Groovy hoặc Kotlin để dễ dàng mở rộng và tuỳ chỉnh.

Các dự án dựa trên Gradle có những tính năng quan trọng để phát triển Android như các tính năng sau:

  • Hỗ trợ các thư viện nhị phân (AAR). Bạn không cần phải sao chép các nguồn thư viện vào dự án, mà chỉ cần khai báo phần phụ thuộc, sau đó thư viện sẽ tự động được tải xuống và hợp nhất vào dự án của bạn. Điều này bao gồm việc tự động hợp nhất các tài nguyên, các mục nhập tệp kê khai, các quy tắc loại trừ Proguard, các quy tắc tìm lỗi mã nguồn tuỳ chỉnh, v.v. trong thời gian xây dựng.
  • Hỗ trợ các biến thể bản dựng, cho phép bạn tạo nhiều phiên bản của ứng dụng (như phiên bản miễn phí và phiên bản chuyên nghiệp) từ cùng một dự án.
  • Dễ dàng định cấu hình bản dựng và tuỳ chỉnh. Chẳng hạn, bạn có thể lấy tên phiên bản và mã phiên bản từ các thẻ Git như một phần của bản dựng.
  • Bạn có thể sử dụng Gradle từ IDE, từ dòng lệnh cũng như từ các máy chủ tích hợp liên tục như Jenkins, giúp cung cấp cùng một bản dựng mọi lúc, mọi nơi.

Để biết thêm thông tin về cách sử dụng và định cấu hình Gradle, hãy xem bài viết Định cấu hình bản dựng.

Phần phụ thuộc

Các phần phụ thuộc thư viện trong Android Studio sẽ sử dụng các khai báo phần phụ thuộc Gradle và các phần phụ thuộc Maven đối với các thư viện nguồn cục bộ và các thư viện nhị phân phổ biến thông qua toạ độ Maven. Để biết thêm thông tin, hãy xem bài viết Khai báo phần phụ thuộc.

Di chuyển từ IntelliJ

Nếu dự án IntelliJ của bạn sử dụng hệ thống xây dựng Gradle, bạn có thể nhập dự án trực tiếp vào Android Studio. Nếu dự án IntelliJ của bạn sử dụng Maven hoặc một hệ thống xây dựng khác, bạn cần thiết lập để dự án đó có thể hoạt động với Gradle trước khi chuyển sang Android Studio.

Nhập dự án IntelliJ dựa trên Gradle

Nếu đang dùng Gradle cho dự án IntelliJ, bạn hãy mở dự án này trong Android Studio theo các bước sau:

  1. Nhấp vào File > New > Import Project (Tệp > Mới > Nhập dự án).
  2. Chọn thư mục dự án IntelliJ của bạn rồi nhấp vào OK. Dự án của bạn sẽ mở trong Android Studio.

Nhập dự án IntelliJ không phải Gradle

Nếu dự án IntelliJ của bạn chưa sử dụng hệ thống xây dựng Gradle, bạn có 2 cách để nhập dự án vào Android Studio như sau:

Di chuyển bằng cách tạo một dự án trống mới

Nếu muốn tạo một dự án trống và sao chép tệp nguồn vào các thư mục mới để chuyển dự án sang Android Studio, hãy làm như sau:

  1. Mở Android Studio rồi nhấp vào File > New > New Project (Tệp > Mới > Dự án mới).
  2. Nhập tên cho dự án ứng dụng của bạn và chỉ định vị trí tạo dự án, sau đó nhấp vào Next (Tiếp theo).
  3. Chọn các kiểu thiết bị mà ứng dụng của bạn chạy trên đó, sau đó nhấp vào Next (Tiếp theo).
  4. Nhấp vào Add No Activity (Không thêm hoạt động nào), sau đó nhấp vào Finish (Hoàn tất).
  5. Trong cửa sổ công cụ Project (Dự án), hãy nhấp vào mũi tên để mở trình đơn khung hiển thị, rồi chọn khung hiển thị Project (Dự án) để xem và tìm hiểu cách tổ chức dự án Android Studio mới của bạn. Nếu muốn đọc thêm về việc thay đổi khung hiển thị và cấu trúc các dự án Android Studio, hãy xem phần Tệp dự án.
  6. Chuyển đến vị trí mà bạn đã chọn cho dự án mới và di chuyển mã, các quy trình kiểm thử đơn vị và kiểm thử đo lường cũng như các tài nguyên từ các thư mục dự án cũ vào đúng vị trí trong cấu trúc dự án mới.
  7. Trong Android Studio, hãy nhấp vào Tệp > Cấu trúc dự án (File > Project Structure) để mở hộp thoại Cấu trúc dự án (Project Structure). Đảm bảo rằng mô-đun của ứng dụng được chọn ở ngăn bên trái.
  8. Thực hiện mọi sửa đổi cần thiết cho dự án của bạn trong thẻ Thuộc tính (Properties) (chẳng hạn, sửa đổi minSdk hoặc targetSdk).
  9. Nhấp vào Dependencies (Phần phụ thuộc) rồi thêm mọi thư viện mà dự án của bạn phụ thuộc vào dưới dạng phần phụ thuộc Gradle. Để thêm phần phụ thuộc mới, hãy nhấp vào biểu tượng Thêm , sau đó chọn kiểu phần phụ thuộc mà bạn muốn thêm và làm theo lời nhắc.
  10. Nhấp vào OK để lưu nội dung sửa đổi.
  11. Nhấp vào Build > Make Project (Bản dựng > Tạo dự án) để kiểm thử quá trình xây dựng dự án của bạn, đồng thời khắc phục mọi lỗi còn tồn đọng nếu cần thiết.

Di chuyển bằng cách tạo tệp bản dựng Gradle tuỳ chỉnh

Để di chuyển dự án của bạn sang Android Studio bằng cách tạo một tệp bản dựng Gradle mới và trỏ đến các tệp nguồn hiện có, hãy làm như sau:

  1. Trước khi bắt đầu, hãy sao lưu các tệp dự án của bạn ở một vị trí riêng biệt, vì quy trình di chuyển sẽ sửa đổi nội dung của dự án tại chỗ.
  2. Tạo một tệp trong thư mục dự án với tên build.gradle nếu bạn đang sử dụng Groovy hoặc build.gradle.kts nếu bạn đang sử dụng tập lệnh Kotlin. Tệp này chứa tất cả thông tin cần thiết để Gradle chạy bản dựng của bạn.

    Theo mặc định, Android Studio dự kiến rằng dự án của bạn sẽ được sắp xếp như minh hoạ trong hình 1.

    Hình 1. Cấu trúc dự án mặc định của mô-đun ứng dụng Android.

    Trong settings.gradle đối với Groovy hoặc settings.gradle.kts đối với tập lệnh Kotlin, bạn thiết lập các kho lưu trữ dùng để tìm trình bổ trợ và phần phụ thuộc lần lượt trong khối pluginManagementdependencyResolutionManagement:

    Groovy

      pluginManagement {
          repositories {
              google()
              mavenCentral()
              gradlePluginPortal()
          }
      }
      dependencyResolutionManagement {
          repositoriesMode.set(RepositoriesMode.FAIL_ON_PROJECT_REPOS)
          repositories {
              google()
              mavenCentral()
          }
      }
      rootProject.name = "Test App"
      include ':app'
      

    Kotlin

      pluginManagement {
          repositories {
              google()
              mavenCentral()
              gradlePluginPortal()
          }
      }
      dependencyResolutionManagement {
          repositoriesMode.set(RepositoriesMode.FAIL_ON_PROJECT_REPOS)
          repositories {
              google()
              mavenCentral()
          }
      }
      rootProject.name = "Test App"
      include(":app")
      

    Cảnh báo: Kho lưu trữ JCenter chuyển sang chế độ chỉ có thể đọc từ ngày 31 tháng 3 năm 2021. Để biết thêm thông tin, hãy xem bài viết Cập nhật Dịch vụ JCenter.

    Trình bổ trợ Android cho Gradle sẽ áp dụng một số nhóm tài nguyên mặc định cho dự án. Các nhóm tài nguyên này xác định các thư mục dùng để lưu trữ nhiều loại tệp nguồn. Gradle sử dụng những nhóm tài nguyên này để xác định vị trí của các loại tệp cụ thể. Nếu dự án hiện tại của bạn không tuân theo các chế độ mặc định, bạn có thể di chuyển các tệp đến vị trí cần thiết hoặc thay đổi các nhóm tài nguyên mặc định để Gradle biết vị trí cần tìm chúng.

    Để biết thêm thông tin về cách thiết lập và tuỳ chỉnh tệp bản dựng Gradle, hãy đọc bài viết Định cấu hình bản dựng.

  3. Tiếp theo, hãy xác định bạn đang sử dụng dự án thư viện nào.

    Với Gradle, bạn không cần thêm các thư viện này làm dự án mã nguồn nữa. Thay vào đó, bạn có thể tham chiếu đến chúng trong khối dependencies{} của tệp bản dựng. Sau đó, hệ thống xây dựng sẽ xử lý các thư viện này cho bạn, bao gồm cả hoạt động tải thư viện xuống, hợp nhất các tài nguyên và hợp nhất các mục nhập tệp kê khai. Ví dụ dưới đây thêm các câu lệnh khai báo cho một số thư viện AndroidX vào khối dependencies{} của tệp bản dựng.

    Groovy

    ...
    dependencies {
        implementation fileTree(dir: 'libs', include: ['*.jar'])
    
        // AndroidX libraries
        implementation 'androidx.core:core-ktx:1.15.0'
        implementation 'androidx.appcompat:appcompat:1.7.0'
        implementation 'androidx.cardview:cardview:1.0.0'
        implementation 'com.google.android.material:material:1.7.0'
        implementation 'androidx.gridlayout:gridlayout:1.0.0'
        implementation 'androidx.leanback:leanback:1.1.0-rc02'
        implementation 'androidx.mediarouter:mediarouter:1.7.0'
        implementation 'androidx.palette:palette-ktx:1.0.0'
        implementation 'androidx.recyclerview:recyclerview:1.3.2'
        implementation 'androidx.annotation:annotation:1.9.1'
    
        // Note: these libraries require that the Google repository has been declared
        // in the pluginManagement section of the top-level build.gradle file.
    }

    Kotlin

    ...
    dependencies {
        implementation(fileTree(mapOf("dir" to "libs", "include" to listOf("*.jar"))))
    
        // AndroidX libraries
        implementation("androidx.core:core-ktx:1.15.0")
        implementation("androidx.appcompat:appcompat:1.7.0")
        implementation("androidx.cardview:cardview:1.0.0")
        implementation("com.google.android.material:material:1.7.0")
        implementation("androidx.gridlayout:gridlayout:1.0.0")
        implementation("androidx.leanback:leanback:1.1.0-rc02")
        implementation("androidx.mediarouter:mediarouter:1.7.0")
        implementation("androidx.palette:palette-ktx:1.0.0")
        implementation("androidx.recyclerview:recyclerview:1.3.2")
        implementation("androidx.annotation:annotation:1.9.1")
    
        // Note: these libraries require that the Google repository has been declared
        // in the pluginManagement section of the top-level build.gradle.kts file.
    }
    Để giúp xác định đúng câu lệnh khai báo thư viện, hãy tìm trên kho lưu trữ Google Maven hoặc Maven Central (Kho lưu trữ trung tâm Maven).
  4. Lưu tệp build.gradle, sau đó đóng dự án trong IntelliJ. Chuyển đến thư mục dự án của bạn và xoá thư mục .idea cũng như mọi tệp IML trong dự án của bạn.
  5. Chạy Android Studio và nhấp vào File > New > Import Project (Tệp > Mới > Nhập dự án).
  6. Tìm thư mục dự án của bạn, chọn tệp build.gradle hoặc build.gradle.kts mà bạn đã tạo, sau đó nhấp vào OK để nhập dự án.
  7. Nhấp vào Build > Make Project (Bản dựng > Tạo dự án) để kiểm thử tệp bản dựng của bạn bằng cách tạo bản dựng dự án và khắc phục mọi lỗi được tìm thấy.

Các bước tiếp theo

Sau khi đã chuyển dự án của mình sang Android Studio, hãy đọc bài viết Xây dựng và chạy ứng dụng để tìm hiểu thêm về việc tạo bản dựng bằng Gradle và chạy ứng dụng của bạn trong Android Studio.

Tuỳ thuộc vào dự án và quy trình công việc của mình, bạn cũng nên tìm hiểu thêm về việc quản lý phiên bản, quản lý các phần phụ thuộc và định cấu hình Android Studio. Để bắt đầu sử dụng Android Studio, hãy đọc bài viết Làm quen với Android Studio.

Định cấu hình hệ thống quản lý phiên bản

Android Studio hỗ trợ nhiều hệ thống quản lý phiên bản, bao gồm Git, Mercurial và Subversion. Bạn có thể thêm các hệ thống quản lý phiên bản khác thông qua các trình bổ trợ.

Nếu ứng dụng của bạn đang ở chế độ kiểm soát nguồn, thì bạn có thể cần bật chế độ đó trong Android Studio. Trong trình đơn VCS, hãy nhấp vào Enable Version Control Integration (Bật chế độ tích hợp quản lý phiên bản) rồi chọn hệ thống quản lý phiên bản thích hợp.

Nếu ứng dụng của bạn không ở chế độ kiểm soát nguồn, bạn có thể định cấu hình chế độ này sau khi nhập ứng dụng vào Android Studio. Sử dụng các tuỳ chọn trên trình đơn VCS của Android Studio để bật tính năng hỗ trợ VCS cho hệ thống quản lý phiên bản mà bạn muốn, tạo kho lưu trữ, nhập các tệp mới vào quy trình quản lý phiên bản và thực hiện các thao tác quản lý phiên bản khác:

  1. Trong trình đơn VCS của Android Studio, hãy nhấp vào Enable Version Control Integration (Bật chế độ tích hợp quản lý phiên bản).
  2. Chọn một hệ thống quản lý phiên bản để liên kết với thư mục gốc của dự án từ trình đơn, sau đó nhấp vào OK. Trình đơn VCS giờ đây hiển thị một số tuỳ chọn quản lý phiên bản dựa trên hệ thống bạn đã chọn.

Lưu ý: Bạn cũng có thể sử dụng tuỳ chọn trên trình đơn File > Settings > Version Control (Tệp > Cài đặt > Quản lý phiên bản) để thiết lập và sửa đổi chế độ quản lý phiên bản.

Để biết thêm thông tin về cách làm việc với trình quản lý phiên bản, hãy xem Tài liệu tham khảo về chế độ quản lý phiên bản của IntelliJ.

Ký ứng dụng

Nếu bạn từng sử dụng chứng chỉ gỡ lỗi, thì chứng chỉ này có thể được phát hiện trong quá trình nhập. Trong trường hợp này, Android Studio sẽ tiếp tục tham chiếu đến chứng chỉ đó. Nếu không, cấu hình gỡ lỗi sẽ sử dụng kho khoá gỡ lỗi do Android Studio tạo, với một mật khẩu đã biết và một khoá mặc định có mật khẩu đã biết nằm trong $HOME/.android/debug.keystore. Kiểu bản gỡ lỗi được thiết lập để tự động sử dụng cấu hình gỡ lỗi này khi bạn chạy hoặc gỡ lỗi dự án từ Android Studio.

Tương tự, quá trình nhập có thể phát hiện được chứng chỉ phát hành hiện có. Nếu trước đó, bạn chưa xác định chứng chỉ phát hành nào, hãy thêm cấu hình ký phát hành vào tệp build.gradle hoặc build.gradle.kts hoặc sử dụng tuỳ chọn trình đơn Build > Generate Signed APK (Tạo > Tạo APK đã ký) để mở Generate Signed APK Wizard (Tạo trình hướng dẫn APK đã ký). Để biết thêm thông tin về việc ký ứng dụng, hãy xem bài viết Ký ứng dụng.

Điều chỉnh kích thước vùng nhớ khối xếp tối đa của Android Studio

Theo mặc định, Android Studio có kích thước vùng nhớ khối xếp tối đa là 1280 MB. Nếu đang thực hiện một dự án lớn hoặc hệ thống của bạn có dung lượng RAM lớn, bạn có thể cải thiện hiệu năng bằng cách tăng kích thước vùng nhớ khối xếp tối đa.

Cập nhật phần mềm

Android Studio sẽ cập nhật riêng biệt với trình bổ trợ Gradle, các công cụ bản dựng và các công cụ SDK. Bạn có thể chỉ định các phiên bản trình bổ trợ và công cụ mà mình muốn sử dụng với Android Studio.

Theo mặc định, Android Studio cung cấp các bản cập nhật tự động bất cứ khi nào phiên bản ổn định mới được phát hành, nhưng bạn cũng có thể chọn cập nhật thường xuyên hơn và nhận được các phiên bản thử nghiệm hoặc phiên bản xem trước.

Để biết thêm thông tin về việc cập nhật Android Studio cũng như việc sử dụng các phiên bản xem trước và thử nghiệm, hãy đọc bài viết về nội dung cập nhật.